Bộ GDĐT hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành công văn số 5766/BGDĐT-GDTH về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19”. Điểm nhấn của công văn này là hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá học sinh để phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19, khi thời điểm kiểm tra cuối học kỳ 1 của các cơ sở giáo dục phổ thông đã tới gần.

Công văn nêu rõ, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học tập của người học, linh hoạt trong tổ chức thực hiện khi ứng phó với dịch Covid-19.

Đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên                        

Về đánh giá thường xuyên, đối với hình thức học tập qua truyền hình, Bộ GDĐT hướng dẫn các nhà trường, giáo viên thực hiện giao nhiệm vụ học tập thông qua các hình thức linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Các thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập gắn với nội dung dạy học trên truyền hình; tổ chức thực hiện phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu cần đạt của từng môn học và hoạt động giáo dục.

Phối hợp với gia đình học sinh, các giáo viên thực hiện đánh giá học sinh trong quá trình học tập với hình thức phù hợp, hướng dẫn các em phản hồi thông tin qua phiếu học tập. Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài và nhận bài làm, sản phẩm học tập của học sinh qua các ứng dụng phần mềm phổ biến, thuận tiện trong sử dụng như zalo, facebook, email.

Đối với hình thức dạy học trực tuyến (hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến), trong quá trình giảng dạy, giáo viên chú trọng việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thực hiện linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo quy định. Thầy cô tăng cường khuyến khích, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ học trò tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành phiếu học tập, thu thập thông tin phản hồi qua các buổi học trực tuyến để đánh giá học sinh.

Nhà trường, giáo viên hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá người học. Trong đó, phụ huynh cần khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng và trải nghiệm kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục. Cha mẹ quan sát các biểu hiện theo yêu cầu cần đạt của một số phẩm chất, năng lực ở học sinh thông qua trò chuyện, tương tác và giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà, để phản hồi thông tin, trao đổi cùng giáo viên trong quá trình đánh giá.

Kiểm tra trực tuyến trong trường hợp bất khả kháng

Đối với hoạt động đánh giá định kỳ, Bộ GDĐT hướng dẫn chỉ thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học/hoạt động giáo dục tương ứng; đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học).

Các nhà trường có thể tổ chức đánh giá định kỳ linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.

Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GDĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GDĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch Covid-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá. Các nhà trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán, môn Tiếng Việt.

Bộ GDĐT yêu cầu việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của người học. Nội dung đề kiểm tra phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học. Câu hỏi, bài tập kiểm tra phải được thiết kế đảm bảo các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập “cốt lõi” theo công văn “Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19” mà Bộ GDĐT đã ban hành ngày 10/9/2021.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn Giáo dục công dân là bộ môn học chính trong chương trình giảng dạy để tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được ban hành theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, môn Đạo đức được dạy ở cấp tiểu học (35 tiết/năm học); môn Giáo dục công dân được giảng dạy từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông (35 tiết/năm học).

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới[1], giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, trong đó môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở trung học cơ sở gọi là môn Giáo dục công dân, ở trung học phổ thông gọi là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) đóng vai trò quan trọng.

Chương trình Giáo dục công dân được dạy xuyên suốt cả 3 cấp học. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông), môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh với thời lượng 70 tiết/năm học.

Mục tiêu của môn Giáo dục công dân là giúp học sinh hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực của người công dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở tiểu học, môn Đạo đức giúp học sinh hình thành và phát triển cảm xúc tích cực, ý thức đúng đắn về những chuẩn mực hành vi đạo đức; cách cư xử, thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập và sinh hoạt phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật, quy luật của tự nhiên và xã hội.

Ở trung học cơ sở, môn Giáo dục công dân giúp học sinh có ý thức tự điều chỉnh, tự hoàn thiện bản thân; hình thành, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh; thích ứng một cách linh hoạt với xã hội biến đổi và thực hiện mục tiêu, kế hoạch của bản thân trên cơ sở các giá trị đạo đức, quy định của pháp luật.

Ở trung học phổ thông, dựa trên những kiến thức cơ bản, cốt lõi, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông về kinh tế và pháp luật, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật giúp học sinh có được tình cảm, nhận thức, niềm tin và bản lĩnh phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật; có được năng lực thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.


 

Bộ Giáo dục và Đào tạo